Lượt xem: ..

Khoảng trống cần lấp từ lúa gạo

Trong 2 tuần qua, câu chuyện tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL trở thành đề tài nóng, bắt đầu từ tiếng nói của nông dân trên đồng ruộng bức xúc khi giá lúa cứ liên tục giảm.

Đầu tháng 3-2014, có thời điểm mỗi ngày giá lúa rớt 100 đồng/kg kéo dài trong 5 ngày. Đến ngày 15-3, một cuộc họp khẩn về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng ĐBSCL được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt nhằm ổn định thị trường lúa gạo và nâng cao đời sống nông dân.
 


Hiện nay, việc giải quyết đầu ra cho khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo (tương đương 12 - 13 triệu tấn lúa) xuất khẩu là vấn đề mấu chốt để giữ giá lúa ổn định và có lợi cho nông dân. Một trong những giải pháp cấp bách và hiệu quả là thu mua tạm trữ. Cái lợi của việc thu mua tạm trữ là doanh nghiệp được vay vốn, hỗ trợ lãi suất. Khi doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ nghĩa là có nhu cầu tiêu thụ lúa, giá lúa sẽ được ổn định.

Việc vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa giảm là điều tất nhiên của “cung” và “cầu”. Doanh nghiệp chậm hoặc “ngưng” thu mua 1 - 2 tuần giá sẽ rớt thê thảm. Trên thực tế, câu chuyện mua tạm trữ lúa là một giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá lúa. Vì dù có triển khai thu mua tạm trữ hay không, doanh nghiệp vẫn phải mua lúa để có “chân hàng” chờ tìm kiếm đối tác xuất khẩu.

Gần đây, nhiều quy định về xuất khẩu gạo do các ngành hữu quan đề ra với mục đích tăng thêm trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân trồng lúa như phải có vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu, nhà kho, hệ thống chế biến… Một số chuyên gia nghiên cứu về tình hình kinh doanh - xuất khẩu gạo của Việt Nam cho rằng, trong hơn 2 thập niên qua, Việt Nam chưa có những phân tích thị trường lúa gạo quốc tế một cách bài bản, chưa xác định đối thủ cạnh tranh nào trong lĩnh vực lúa gạo. Có ý kiến cho rằng, trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay cần tái cơ cấu Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)! Cách đây không lâu, một lãnh đạo VFA có nói với PV Báo SGGP: “Hiện nay các thành viên VFA kinh doanh nhiều ngành hàng chứ không riêng lúa - gạo”. Điều người ta băn khoăn là: Phải chăng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã “lớn lên” nhờ lúa - gạo, giờ là lúc “phủi vai” khi đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh? “Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng phải tổ chức “buôn có bạn bán có phường” không để tình trạng cạnh tranh giá không lành mạnh tiếp diễn”. Lời nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị vừa qua hẳn cũng đề cập đến vai trò của VFA.

Tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt vấn đề khá mới: “Chuyển 3 triệu tấn lúa sang chế biến thức ăn, các đồng chí nghiên cứu làm được không? Nếu làm được, Chính phủ sẵn sàng tặng huy chương”. Gợi ý của Thủ tướng là yêu cầu đặt ra trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện nay. Với cây lúa là tái cơ cấu các mặt hàng lúa, gạo theo hướng tạo ra thương hiệu mạnh, nhắm vào thị trường cụ thể, đa dạng hóa các sản phẩm từ lúa, gạo. Theo các chuyên gia, hiện nay các sản phẩm chế biến từ lúa gạo Việt Nam còn rất đơn điệu về mẫu mã và mặt hàng, nghèo nàn về chủng loại và chưa xem công nghệ chế biến thực phẩm từ nguyên liệu bột gạo là lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao trong cơ cấu thu nhập từ ngành hàng lúa gạo. Rất nhiều quốc gia trong khu vực (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…) nhập khẩu gạo không chỉ đơn thuần sử dụng trong bữa ăn hàng ngày như cơm mà còn chế biến rất nhiều sản phẩm công nghiệp (hồ, keo thực phẩm…), thực phẩm ăn nhanh (các loại bánh truyền thống), thực phẩm bảo quản (bánh các loại, phụ gia…) mang lại giá trị gia tăng cao và hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm chế biến.

Vì sao chúng ta chưa định hướng chiến lược phát triển ngành chế biến từ nguyên liệu gạo để thay thế các sản phẩm nhập khẩu đang tràn ngập thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang các nước có cộng đồng người Việt và người châu Á? Đó phải chăng là khoảng trống cần lấp hiện nay của vựa lúa ĐBSCL!
 

Nguồn: Cao Phong ngày Thứ hai, 24/03/2014, 02:11 (GMT+7)