Lượt xem: ..

An Giang: Thành công từ mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật

 

Với mô hình liên kết, hợp tác “4 nhà” trong sản xuất lúa Nhật, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định với quy mô lớn về diện tích sản xuất, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã cùng với Công ty Angimex –Kitoku tổ chức cho các hộ nông dân ở 27 xã trong tỉnh tham gia liên kết trồng lúa Nhật mang lại hiệu quả kinh tế cao, bước đầu đáp ứng đủ nguồn giống cho địa phương.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng giống lúa, Hội Nông dân tỉnh An Giang đã thành lập Ban Điều hành xây dựng mô hình liên kết hợp tác sản xuất lúa Nhật. Theo đó, Hội Nông dân của 5 huyện, thành phố là Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, Phú Tân và thành phố Long Xuyên đã cùng với chính quyền và Hội Nông dân của 27 xã trong phạm vi đề án và hộ nông dân hiện đang sản xuất lúa Nhật, nông dân có nhu cầu trồng lúa Nhật tham gia. Số lượng hộ nông dân tham gia theo từng vùng cụ thể phù hợp với quy hoạch của tỉnh, đó là từ 25 đến 30 tổ hợp tác sản xuất mang tính liên xã, với diện tích từ 3.500 – 4.000 héc-ta, trong đó có 100 – 150 héc-ta sản xuất giống.
 

 



Từ chỗ các hộ nông dân đăng ký sản xuất riêng lẻ với công ty, sau khi có đề án, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã đã phối hợp chặt chẽ với Công ty Angimex –Kitoku tiến hành khảo sát thực trạng tổ hợp tác ở 27 xã của 5 huyện và nhu cầu nông dân, rồi tổ chức họp dân giải thích rõ lợi ích tham gia tổ hợp tác trong sản xuất lúa Nhật. Với cách làm đó, từ vụ đông xuân 2008-2009 đến nay, đã có 40 tổ hợp tác với hơn 1400 thành viên tham gia sản xuất trên tổng diện tích qua các vụ lên gần 3900 héc-ta. Cùng với đó, các ngành chức năng của tỉnh An Giang đã tổ chức 30 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa Nhật cho 987 thành viên các tổ, tập huấn nội dung hợp đồng hợp tác và quản lý.

Qua triển khai sản xuất cây lúa Nhật tại An Giang, sản lượng xuất khẩu của Công ty Angimex –Kitoku trong 6 vụ lúa đã đạt trên 16 nghìn 600 tấn, giá thu mua từ 6.000đ/kg (đông xuân và hè thu 2009) đến 8.300đ/kg (đông xuân 2008-2009), đó là chưa kể mức thưởng từ 300 – 500đ/kg đối với lúa đạt phẩm cấp theo hợp đồng quy định. Lợi nhuận nông dân mỗi vụ đạt từ 15 triệu – 20 triệu đồng/héc-ta, có một số hộ đạt 25 triệu đồng/héc-ta. Từ chỗ phải nhập giống về canh tác từ Nhật về, sau một thời gian tiến hành thử nghiệm, Công ty Angimex –Kitoku đã chủ động phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang và những nhà nông sản xuất giỏi nhân được giống lúa tại địa phương, sau đó phát triển từ 50 héc-ta tăng lên hơn 150 héc-ta, đến nay đã đảm bảo đủ lượng giống cung cấp cho diện tích sản xuất lúa Nhật của tỉnh và không còn phải nhập khẩu như trước. Qua các vụ sản xuất lúa Nhật, nông dân từng bước sản xuất theo quy trình kỹ thuật, cải thiện được năng suất, chất lượng lúa – gạo, đảm bảo hợp đồng đã ký kết. Thu nhập của nông dân tham gia sản xuất lúa Nhật tăng từ 1 đến 1,5 lần so với các hộ nông dân sản xuất lúa thường, có 2.793 hộ (tăng gần 4 lần so dự kiến ban đầu) với diện tích 3.882,5 héc-ta, thu nhập từ 35 triệu đến 37,5 triệu đồng/héc-ta/vụ và tương đương 105 triệu đến 112,5 triệu đồng/héc-ta/năm./…

Nguồn: Baomoi.com